Triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc ứng dụng blockchain theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Gia Lâm – Hà Nội

Ngày 06 tháng 10 năm 2021, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu rau quả, Công ty cổ phần công nghệ và số hoá toàn cầu đã có buổi làm việc với UBND, phòng Kinh tế huyện Gia Lâm nhằm triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc VN Check tới 03 hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND Huyện Ông Nguyễn Đức Hồng – Phó chủ tịch Huyện Gia Lâm đã cảm ơn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu rau quả và Công ty cổ phần công nghệ và số hoá toàn cầu đã chọn 03 HTX trên địa bàn làm thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hình ảnh làm việc với UBND, phòng Nông nghiệp huyện Gia Lâm

Tham dự buổi làm việc, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả đã cảm ơn sự hỗ trợ của UBND và Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm. Qua hoạt động nghiên cứu, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ tổng hợp tình hình thực tiễn, báo cáo kết quả và đưa ra những kiến nghị giúp định hướng tốt và minh bạch cho hệ thống nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ và Số hoá toàn cầu, đơn vị phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc, Ông Mai Quang Thịnh chia sẻ về nền tảng công nghệ của VN Check với những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trên thế giới được ứng dụng nhằm theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể là việc ứng dụng công nghệ IoT, Ai và Blockchain vào quản lý, số hoá  để minh bạch nguồn gốc của nông sản Việt Nam.

Ngay sau buổi làm việc, đoàn công tác đã thăm và làm việc thực tế tại 03 hợp tác xã để thống nhất quy trình sản xuất, thống kê các nghiệp vụ canh tác để phục vụ cho việc thiết kế ứng dụng chạy trên nền tảng  VN Check phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP.

Một số hình ảnh làm việc tại 03 hợp tác xã

Trao đổi với chúng tôi, Ông Mai Quang Thịnh cho biết:

“Mô hình truy xuất nguồn gốc rau quả lần này tại 03 HTX có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là mô hình truy xuất nguồn gốc được chuẩn hoá cho từng chủng loại rau, củ, quả có sự giám sát bởi nhật ký điện tử đối với mọi thành viên tham gia canh tác. Toàn bộ thành viên tham gia canh tác đều được xác minh danh tính và định danh trên bản đồ nông nghiệp, với việc định danh theo bản đồ của từng hộ, từng HTX và từng khu vực sẽ đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu một cách tuyệt đối.

Chúng tôi tin rằng, với hệ thống quản trị thống nhất được bảo mật cao nhất với quy trình làm việc được xây dựng, chuẩn hoá theo từng loại rau, ứng với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương sẽ cho ra kết quả canh tác tốt nhất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Đây sẽ là điểm sáng để triển khai rộng rãi cho nhiều địa phương trên toàn quốc và hướng đến nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.