Thực trạng Sâm Ngọc Linh - Quốc bảo Việt Nam

Sâm Ngọc Linh – Quốc bảo của Việt Nam là loại sâm quý hơn tất cả các loại sâm trên thế giới. Sâm Ngọc Linh lại chỉ có vùng rừng núi ở một số huyện tại Kon Tum và huyện Nam Trà My – Quảng Nam. Chính vì thế mà giá sâm Ngọc Linh dao động từ 80 – 200 triệu mỗi kg. Nhằm thu lợi bất chính, nhiều thương lái đã bất chấp tất cả tìm mọi cách làm giả sâm Ngọc Linh với mọi hình thức. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng của thương hiệu Sâm Ngọc Linh. Bài viết dưới đây sẽ phản ảnh một số thủ đoạn làm giả Quốc bảo và cách nhận biết sâm Ngọc Linh thật để người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả.

Tình trạng Sâm Ngọc Linh giả đáng báo động

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ liên quan đến sâm Ngọc Linh giả. Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục QLTT Kon Tum và Công an huyện Đăk Tô mới phát hiện, tổ chức thu giữ lô hàng củ tam thất hoang/điền trúc “đột lốt” sâm Ngọc Linh Kon Tum vận chuyển từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô để bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, đội còn phát hiện bảy thùng rượu với 112 chai rượu lá sâm Ngọc Linh tại khối phố 8, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô sử dụng lô-gô, nhãn mác có dấu hiệu vi phạm bản quyền thương hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.

Thậm chí ngay tại một số huyện tại tỉnh Kon Tum có tồn tại một loại sâm Ngọc Linh nữa nhưng không phải mọc trên núi Ngọc Linh mà tại vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào. Loại sâm này giống sâm Ngọc Linh thật người bán còn khẳng định kiểm định vẫn ra chất sâm, vẫn tốt cho sức khỏe. Không dừng lại ở đó, việc buôn bán sâm Ngọc Linh trên các mạng xã hội, với quảng cáo chung là “sâm thật, nguồn gốc từ vùng núi Ngọc Linh”. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng đều chỉ nghe nói rồi tin nhưng chưa biết cách phân biệt sâm giả với sâm thật.

Sâm Ngọc Linh được làm giả với những thủ đoạn tinh vi nào?

Hiện nay dựa vào đặc điểm hình dạng bên ngoài một số loại củ tam thất, củ ráy được “phù phép” chà xát với lớp bùn đất bản địa để nhìn có vẻ giống sâm thật mới đào từ trên núi về để trở thành sâm Ngọc Linh thật qua mắt người tiêu dùng. Có 3 loại sâm Ngọc Linh giả được xác định:

- Loại sâm giả thứ nhất là loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Đây có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam và giống với sâm Ngọc Linh tới 97%.

- Loại sâm giả thứ 2 là Tam thất hoang có giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại sâm giả trên.

- Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm.

Ngoài hàng giả ra, người tiêu dùng còn bị lừa là mua nhầm sâm đã bị rút ruột, mất hết dưỡng chất. Nhìn bề ngoài thì sâm thật nhưng thực chất đó chỉ là xác sâm vì đã lấy đi hết các dưỡng chất.

Nếu không phải là người am hiểu, mới phân biệt được đâu là thật đâu là giả hoặc phải thực hiện đi xét nghiệm, phân tích thành phần các hoạt chất thưởng phải bỏ chi phí cao mới chứng minh đó là sâm Ngọc Linh giả.

Nhận biết sâm Ngọc Linh thật như thế nào?

Sâm Ngọc Linh được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum ở độ cao từ 1200 mét trở lên. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 100 cm, thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc, có màu lục hoặc hơi tím, đường kính thân độ 4-8mm. Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm Trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu.

Vùng địa lý sâm Ngọc Linh nằm trên núi cùng tên, thuộc hai tỉnh Kon Tum (Tu Mơ Rông) và Quảng Nam (huyện Trà My), có độ cao từ 1.200 m đến 2.500 m, mật độ che phủ rừng trên 70%, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. Là vùng đất có nhóm đất xám hình thành tại chỗ, khí hậu nhiệt đới ẩm và khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm. Sau khi đưa vào trồng từ năm thứ 6 năm trở đi là có thể thu hoạch củ. Vì giá trị kinh tế cao và tác dụng tốt cho sức khỏe hiện nay, sâm Ngọc Linh được bán tràn lan, khiến nhiều người e ngại về chất lượng thật sự của sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Theo kinh nghiệm, theo một số người chuyên sâm Ngọc Linh, nếu là thật sẽ đắng gắt nhưng càng ăn (sau 10 - 15 phút) sẽ thấy vị ngọt thanh, ngọt lâu ở cổ; mùi bùi, thơm đặc trưng; khi nhai thấy chắc sâm, giòn sâm, không có xơ, càng ăn càng ngọt. Ở ngoài củ sâm Ngọc Linh bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì; khi rửa sạch củ có màu vàng nâu hoặc màu xanh xám.

Khi cắt lát, bên trong thường là màu vàng và có lõi vàng hoặc pha màu tím nhạt. Mắc sâm Ngọc Linh thật có vết lõm, nhìn giống miệng con ốc vặn nhưng không tròn hẳn; mắc sâm bị biến dạng theo thời gian, mọc lệch nhau. Khi các đốt nhiều năm tuổi thường biến dạng, tạo thành các lớp ngấn, nhăn giống như ngấn cổ của người bị béo phì. Có những củ không so le nhau nhiều; các bước đốt phải cách nhau rõ ràng, không “đè” liên tục lên nhau như củ tam thất.

Nếu là sâm Ngọc Linh giả, khi ăn thấy sồn sột, dai có nhiều xơ; khi nhai không có cảm giác giòn, không có vị đắng mà có vị ngái (ăn xong một lúc thấy ngái ở cổ, nóng cổ, rát cổ như bị ho, bị viêm amidan)...

Sâm Ngọc Linh giả đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn lợi dụng sự thiếu am hiểu về sâm nên người tiêu dùng có nguy cơ mua phải sâm giả, kém chất lượng. Nếu có nhu cầu mua sâm, người tiêu dùng hãy tìm hiểu rõ cách nhận biết sâm thật và nên lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Cục Bản quyền tác giả và Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký và bảo hộ.

Nguồn: Tổng hợp