Tham gia Hội thảo Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đó là chủ đề của hội thảo do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với ĐHQGHN tổ chức chiều ngày 28/7/2022.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo ĐHQGHN và hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo, nhà khoa học các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN một số tỉnh/thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước. Hội thảo còn mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của quốc gia, tăng cường đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo hội thảo

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, nước ta hiện đang bước vào giai đoạn mới của phát triển kinh tế, tập trung vào tăng năng suất, hiệu quả, đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đổi mới sáng tạo là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Quan điểm và các mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong giai đoạn sắp tới cũng được đề ra cụ thể tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; Đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KH&CN hàng đầu đất nước, ĐHQGHN luôn chú trọng mục tiêu làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội. Những năm gần đây, ĐHQGHN đã xác lập được vị trí hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế đối với các trường đại học ở khu vực châu Á và trên thế giới. Chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQGHN trong nhiều năm liên tục luôn đứng hàng đầu Việt Nam và thuộc nhóm 500 thế giới. ĐHQGHN được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao nhiều chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm: Chương trình KH&CN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, Dự án Dịch thuật và phát huy tinh hoa giá trị các tác phẩm kinh điển phương Đông, Nhiệm vụ xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam. Mới đây nhất, ĐHQGHN đã phê duyệt chương trình trọng điểm “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển”. Đây là một điển hình cho mô hình hợp tác phát triển sản phẩm ứng dụng giữa ba bên Trường Đại học - Doanh nghiệp - Địa phương.

Giám đốc Lê Quân cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KH&CN trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Giám đốc ĐHQGHN cho biết thêm, với tiềm lực về hạ tầng, nhân lực và mạng lưới đối tác rộng khắp trong nước và quốc tế, ĐHQGHN đã triển khai một số chính sách tiêu biểu như: ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều điều kiện thuận lợi trong tổ chức và hoạt động. Đến nay, ĐHQGHN có khoảng 175 sản phẩm KH&CN tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa.

Tháng 2/2022, ĐHQGHN đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 với quan điểm “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ĐHQGHN”. Mới đây, ĐHQGHN đã thành lập Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp. Đây là điểm kết nối cung - cầu KH&CN giữa ĐHQGHN với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các khu công nghệ cao và khu đô thị sáng tạo của thành phố Hà Nội.

Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, cho biết, trong khuôn khổ đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ KH&CN đã xây dựng và triển khai Chương trìn tìm kiếm & chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Các chương trình, đề án đã hình thành hành lang pháp lý và chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Theo ông Phạm Thế Dũng, để các chương trình, đề án đi vào thực tiễn, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế.

Ông Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, ĐHQGHN trình bày tham luận tại hội thảo

Ngày 19/7/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 2421/QĐ-ĐHQGHN phê duyệt Chương trình trọng điểm cấp ĐHQGHN “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển”, mã số QGCT.22.01. Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích đánh giá, đối với 28 địa phương ven biển, kinh tế biển là cơ hội để các tỉnh bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để phát triển vươn lên mạnh mẽ. Chương trình QGCT.22.01 được thực hiện trong 07 năm, từ năm 2023 đến hết năm 2030.

Trưởng ban Vũ Văn Tích cho biết, Chương trình tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, quy trình, công nghệ để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của các tỉnh ven biển, gắn với các nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước; Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ trong các đề án, dự án của các địa phương và doanh nghiệp phục vụ phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và khả năng thương mại hóa lớn; Nghiên cứu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và luận chứng kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn của các địa phương ven biển; Nghiên cứu giải pháp khoa học nhằm phát triển đội ngũ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế biển và thông tin tư vấn tới doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao các kết quả nghiên cứu mà ĐHQGHN đã chuyển giao trong thời gian qua

Trao đổi tại hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà ĐHQGHN đã chuyển giao cho thành phố Hà Nội trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ĐHQGHN và Sở KH&CN Hà Nội cần tiếp tục phối hợp đề xuất, nghiên cứu một số chương trình KH&CN tổng thể, thay vì triển khai các nhiệm vụ đơn lẻ, để ứng dụng trực tiếp các kết quả nghiên cứu cho Thủ đô. Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cũng đề xuất với Bộ KH&CN nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về hành lang pháp lý trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự

Đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương. Theo đó, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng sàn giao dịch KH&CN, khảo sát nhu cầu, tạo lập mạng lưới kết nối cung - cầu trong và ngoài nước. Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng đề xuất đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ biển, đặc biệt là công nghệ khai thác năng lượng biển, công nghệ sinh vật biển và hậu cần nghề cá của địa phương, công nghệ chế biến thủy hải sản, công nghệ đóng tàu, logistics, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển…

GS.TS Mai Trọng Nhuận phát biểu tại hội thảo

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN đề nghị tiếp cận theo hướng đầu tư cho KH&CN - đầu tư mạo hiểm để gia tăng hiệu quả các hoạt động. GS. Mai Trọng Nhuận đề nghị Bộ KH&CN đưa ra cơ chế cho phép các đại học thí điểm mô hình phát triển nhiều doanh nghiệp, hỗ trợ các cựu sinh viên và xã hội để đại học thực sự là nơi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, KH&CN hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, KH&CN hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch. GS.Vũ Minh Giang đưa ra đề xuất ứng dụng KH&CN trong khai thác các tiềm năng du lịch, khai thác di sản văn hóa như nguồn tài nguyên. Để làm được việc này, ông cho rằng, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cần có chính sách kết nối cùng cơ chế phối hợp chặt chẽ, từ đó rà soát các hiện trạng để đưa ra giải pháp tháo gỡ nhằm đưa ngành công nghiệp du lịch, văn hóa phát triển bắt kịp xu hướng của khu vực và quốc tế.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất các cơ chế tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao

Nói về định hướng phát triển các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo cho biết, ĐHQGHN đang từng bước đóng góp vào công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia với việc mở mới và phát triển các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ. GS. Nguyễn Đình Đức bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN, ĐHQGHN và các doanh nghiệp có cơ chế đầu tư, ươm tạo các nhà khoa học tiềm năng nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Cũng theo GS. Nguyễn Đình Đức, nhóm nghiên cứu là tế bào sống của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh là động lực triển khai các hoạt động nghiên cứu góp phần giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao, giúp gia tăng các công bố quốc tế, từ đó nâng cao thứ bậc và xếp hạng của các trường đại học.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng tổng kết hội thảo

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại hội thảo. Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung: chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực trạng hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hội thảo cũng lắng nghe các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách và mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng những kinh nghiệm liên quan tới chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, thông qua các nội dung trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ bức tranh chuyển đổi số trong các lĩnh vực cũng như ứng dụng KH&CN để phát huy thế mạnh địa phương. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ KH&CN tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách quản lý, hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học.

Nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp (trong đó có VN Check) tham dự và trao đổi tại hội thảo

Nguồn Trang thông tin Đại học Quốc gia