Những văn bản quy định về TXNG hiện nay tại Việt Nam

Ngày 30 tháng 6 năm 2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Ngày 21 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA. Đứng trước những cơ hội lớn về việc mở cửa của chính phủ, hành lang pháp lý cũng đòi hỏi mở rộng cho các doanh nghiệp Xuất nhập khẩu vào thị trường hơn 500 triệu dân (27 quốc gia) này.

Kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Một trong những điều kiện quan trọng để thống nhất việc xuất khẩu hàng hoá qua EU đó là truy xuất nguồn gốc (traceability) đã và đang được chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG). Tại văn bản này, Chính phủ đã đặt ra 05 mục tiêu cụ thể:

1 - Hoàn thành hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá.

2 - Xây dựng hệ thống TXNG thống nhất trong cả nước có áp dụng thí điểm một số mô hình theo yêu cầu của các Bộ, cơ quan liên quan.

3 - Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả TXNG mà cụ thể là IoT, Big Data, Ai và Blockchain.

4 - Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TXNG có mang tính kế thừa và thừa nhận hệ thống TXNG lẫn nhau.

5 - Thiết lập, xây dựng và vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hoá quốc gia.

Để cụ thể hoá vấn đề này, các Bộ đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể:

Bộ Nông nghiệp đã có thông tư số 74 /2011/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10  năm 2011 Quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và các cơ quan liên quan.

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, Bộ Y tế đã có thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Thông tư đã đưa ra 3 nguyên tắc và 6 yêu cầu đối với các hệ thống TXNG.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2979 ngày 14 tháng 10 năm 2019 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG quốc gia". Giao cho Trung tâm mã số mã vạch quốc gia (NBC) hoàn thiện, vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hoá quốc gia vào Quý IV/2020 (nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng).

Bộ Công thương ngày 28 tháng 7 năm 2020 đã có Kế hoạch thực hiện "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm hàng hoá giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" với hai mục tiêu chính là: (1) Xác  định phân công và tổ chức triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ và (2) Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống TXNG, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hoá thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Ngoài ra, một số Bộ, ngành liên quan cũng có động thái về vấn đề này. Một số đơn vị tư nhân đã tham gia vào triển khai các công nghệ TXNG với mục tiêu kết nối vào Cổng thông tin TXNG Quốc gia nhằm đảm bảo truy rõ, truy đủ các thông tin và đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.

Sau khi nghiên cứu, VN Check nhận thấy việc TXNG là yêu cầu bắt buộc đối với việc gia nhập thị trường Quốc tế, đảm bảo ATVSTP và vấn đề sức khoẻ cho người dân. Chúng tôi đã cố gắng đưa đến cho người tiêu dùng nhiều nhất các thông tin nhằm phục vụ 2 yêu cầu cơ bản của TXNG đó là:

- Đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu với công nghệ mới (IoT, Big Data, AI và Blockchain) cho TXNG

- Đảm bảo việc truy nguyên dữ liệu chính xác theo thời gian thực của hệ thống nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố khoa học, phù hợp với khả năng của mọi khách hàng, mọi cơ sở sản xuất khi tham gia vào TXNG.

Hiện nay, VN Check đã cho ra mắt phiên bản thử nghiệm 2.0 phục vụ Farm Organics và phiên bản 2.2 phục vụ VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc tự động theo yêu cầu của nhà sản xuất. Với mỗi yêu cầu tiêu chuẩn khác nhau, VN Check sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp với hệ thống mà doanh nghiệp đang vận hành (kể cả thủ công). Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ từ các Bộ, ngành, địa phương để đưa sản phẩm Việt Nam ra khỏi biên giới lãnh thổ, tự tin cạnh tranh với các Quốc gia khác trên thế giới.

Quang Thịnh

CEO & Founder